Tin tức
Công ty diệt chuột – Mùa nứa khuy. Đêm đêm, cánh trai tráng ở các bản làng heo hút vùng núi Thanh Hóa lại vác nỏ vào rừng săn bắn chuột. Con chuột vùng cao này đã giúp cánh trai trẻ kiếm thức ăn, giúp gia đình họ có thêm đồng thu nhập…
Thấy tôi tò mò, chăm chú lắng nghe đám thợ săn trong bản bàn tính “kế hoạch” săn đêm, ông Lò Văn Từm, trưởng bản Giàng, xã Yên Khương, huyện Lang Chánh (Thanh Hóa) gợi ý: “Nếu cán bộ thích, tối nay ta cho thằng Hủa dẫn vào rừng săn chuột. Mùa này nhiều chuột lắm. Nứa đang khuy mà”. Mãi sau tôi mới được một cán bộ kiểm lâm giải thích, nứa khuy tức là nứa ra hoa (theo chu kỳ khoảng 25-30 năm rừng nứa sẽ khuy một lần). Hoa và hạt nứa chính là nguồn thức ăn dồi dào cho lũ chuột. Vì vậy hễ năm nào nứa khuy thì năm ấy chuột sinh sôi nhiều vô kể. Đến khi cây nứa khô nỏ, hạt nứa hết, lũ chuột rừng sẽ đồng loạt tấn công xuống các bản làng, đục khoét bồ sọt, phá hại mùa màng báo hại bà con đồng bào các dân tộc vùng cao…
Chiều muộn, thằng Hủa (con ông Từm) đưa cho tôi chiếc đèn pin rồi huýt sáo gọi con chó săn rời khỏi căn nhà gác. Ngoài đầu bản đã có hơn hai chục trai bản với đèn săn, tên, nỏ đợi sẵn. Thằng Hủa nói với đám phường săn là trưởng bản gửi tôi đi theo. Một thợ săn liền hỏi: “Cán bộ có lội rừng được không? Rừng đêm có nhiều rắn lắm!”. Chẳng đợi tôi trả lời, gã thợ săn này liền tháo đôi ủng đang mang ra cho tôi mượn. Tôi háo hức theo đoàn thợ săn vượt dốc vào rừng nứa. Phải mất 3 giờ chúng tôi mới lên đến đỉnh Pù Giàng cách bản Giàng gần 7 km. Đám thợ săn tỏa ra với một quy ước là ai phát hiện được chuột đàn, trăn, rắn hay thú rừng thì phải hú lên gọi cả phường cùng đến…
Ánh đèn săn trên đầu Lò Pụ Hủa quét loang loáng vào những bụi nứa khô nỏ trên đỉnh Pù Giàng hoang vắng. Chợt trước mắt Hủa xuất hiện hai đốm sáng nhỏ bắt ánh đèn lấp lánh. Hủa nhẹ nhàng lên dây nỏ rồi rút một mũi tên đặt vào cái rãnh trên báng. Nó đưa nỏ lên ngắm vào khoảng tối giữa hai đốm sáng. Tạch! Chít! Âm thanh phát ra từ dây nỏ và tiếng con mồi trúng tên gần như cùng một lúc. Như chỉ chờ có vậy, con chó săn của Hủa lao vào lùm cây rồi nhanh nhẹn lôi ra một con chuột rừng to tướng. Thằng Hủa quay sang tôi hỉ hả: “Hơn 3 lạng chứ chẳng chơi. Được 7 ngàn đấy cán bộ ạ!”. Vừa nói nó vừa rút mũi tên ra khỏi đầu con chuột, rồi nhanh nhẹn xé một đoạn băng dính quấn chặt vào chỗ vết thương của con mồi. Nó giải thích là để “cầm máu” vết thương. “Tao chỉ sợ máu của nó chảy ra hôi lắm”, Hủa giải thích.
Cho con mồi vào chiếc giỏ nan đeo bên hông, Hủa lại tiếp tục ngúc ngắc cái đầu quét đèn săn tìm con mồi khác. Bỗng có tiếng hú từ xa vọng tới. Thằng Hủa ngẩng đầu lên nghe ngóng, phán đoán hướng tiếng hú phát ra. Nó kéo tôi quay trở lại lối mòn rồi tụt xuống sườn dốc phía tây của đỉnh Pù Giàng. Vừa chạy nó vừa nói: “Còn sớm thế này sao chuột đàn lại mò ra sớm thế? Có khi bọn nó gặp rắn cũng nên”. Mới chỉ nghe đến từ rắn thì tôi đã thấy rừng rú thâm u… lành lạnh. Tôi chỉ còn biết chạy theo thằng Hủa. Đôi ủng trong chân bỗng trở nên vướng víu, nó làm tôi vấp ngã mấy lần, suýt nữa tôi bị rơi xuống vực… Cuối cùng thì tôi và thằng Hủa cũng chạy được đến nơi phát ra tiếng hú. Trước mắt tôi là hơn hai chục ánh đèn săn rọi tập trung vào một bụi nứa đang mùa ra khuy khô nỏ. Trên những thân nứa chết khô, một đàn chuột hàng trăm con đen đặc đang cắn đuôi nhau kêu lích rích, chúng ngơ ngác, gần như bất động trước những ánh đèn săn sáng chói. “Là chuột đàn, chứ không phải là rắn!”, tôi thầm mừng. Thằng Hủa xuýt xoa đầy sung sướng, nó nhanh nhẹn lên dây nỏ, lắp tên, cùng đám thợ săn nhắm vào đàn chuột. Tôi vội vàng lần tay sang bên hông để lấy máy ảnh ra chụp cảnh săn chuột, thì hỡi ôi chiếc máy ảnh điện tử mini đã rơi mất từ lúc nào…
Trong lúc tôi đang đứng ngẩn tò te tiếc rẻ thì thằng Hủa cùng với đám thợ săn liên tiếp bắn tên vào bầy chuột. Chưa đầy 3 phút sau, trên bụi nứa đã không còn một con chuột nào. Sau màn bắn tên ngoạn mục, cánh thợ săn huýt sáo “lệnh” cho bầy chó xộc vào bụi cây thu lượm chiến lợi phẩm. Một lúc sau lũ chó lôi ra được cả thảy 132 con chuột. Tôi trố mắt ngạc nhiên vì trong vòng 3 phút thì tôi cũng chỉ có thể lên dây nỏ được 2 lần, và có khi chẳng bắn trúng được mũi tên nào, vậy mà trong 3 phút ấy, bình quân mỗi thợ săn đã bắn được khoảng từ 7 – 8 phát tên. Thằng Hủa cười: “Thế là còn chậm đấy, 1 phút tao có thể bắn được 5 phát mà!”. Người thợ săn cho tôi mượn ủng lúc chiều là người đứng ra chia “sản phẩm”. Tất cả số chuột được chia đều, riêng người phát hiện ra đàn chuột và hú lên báo hiệu được chia thêm 5 con nữa. Đấy là quy định bất thành văn của phường săn chuột. Chia xong chiến lợi phẩm, cánh thợ săn lại vội vã tỏa đi tìm đàn chuột khác. Thằng Hủa dẫn tôi quay trở lại lối mòn cũ để tìm chiếc máy ảnh.
San chuot mua nua khuy
Những thợ săn chuột của bản Giàng
Khoảng 1 giờ đêm, trời bỗng đổ mưa sầm sập. Hủa nhanh nhẹn chặt cây rừng làm cọc cắm xuống đất rồi căng tấm ni-lông làm lán tạm trú mưa. Vừa làm, nó vừa nói bâng quơ: “May mà lúc nãy cán bộ bị mất máy ảnh, nếu không lúc chụp, ánh đèn của máy ảnh sẽ làm cho lũ chuột sợ hãi bỏ chạy hết, vì nó tưởng là ánh chớp mưa mà”. Tôi phì cười vì cái sự may của thằng Hủa. Trong lúc trú mưa, tôi hỏi: Đi săn đêm thi thoảng có gặp thú rừng không? Hủa bảo: “Nhiều chứ! Nhưng cũng chỉ là cầy, cáo thôi, chứ thú to thì không có. Cách đây độ hơn một tháng, bọn tao đụng phải một con trăn gió to bằng bắp đùi, sợ lắm. Cả bọn chạy tán loạn, “nhường” đàn chuột cho nó. Cái giống trăn, rắn nó cũng thích ăn thịt chuột lắm. Mình không tranh được với nó đâu”.
Mãi hơn một giờ đồng hồ cơn mưa rừng mới tạnh hẳn. Cánh thợ săn từ các xó rừng đồng thanh hú gọi nhau rời núi, kết thúc đêm săn chuột. Thằng Hủa ngửa mặt nhìn lên ánh trăng hạ tuần chênh chếch trên đỉnh Pù Giàng tiếc rẻ: “Mưa tạnh, mà có trăng ngay thế này thì lũ chuột mò đi ăn đông lắm, nhưng muộn quá rồi, ta về thôi”. Gần 5 giờ sáng, phường săn mới về đến bản Giàng. Sau khi đặt giỏ chuột (khoảng 5 kg) xuống sân, thằng Hủa kéo tôi ra mó nước gần nhà rửa qua loa rồi trèo lên nhà sàn đi ngủ. Trưởng bản Từm nói vọng xuống bếp dặn vợ không được bán chuột, vì hôm nay bản làm cơm đãi khách dưới xuôi lên.
Mâm cơm đãi khách của trưởng bản Từm có cả thảy 5 món được chế biến từ thịt chuột, gồm: chuột hầm đu đủ, chuột xào măng, chuột nấu “giả cầy”, chuột nướng và chuột kho mặn dậy mùi thơm đầy quyến rũ. Quả thực, gần mười năm gắn bó với đồng bào các dân tộc vùng cao của miền tây Thanh Hóa, tôi đã từng được ăn nhiều món lạ và độc đáo của các dân tộc vùng cao, từ: nhái om măng, canh lòng bò, tiết canh bò của người Thái, ốc nhồi hong gác bếp, cá sông đồ lá đu đủ của người Mường, đến thắng cố, cá muối lá chua của người Mông…, nhưng thịt chuột thì tôi chưa từng nghĩ đến chứ chưa nói là sẽ ăn.
San chuot mua nua khuy
Nứa khuy
Sau hai chén “rượu thăm” qua lại, trưởng bản Giàng mời mọi người cùng cầm đũa. Thấy khách ngần ngại, ông Từm trấn an: “Đặc sản đấy! Ngon lắm! Chuột sạch mà!…” vừa nói, ông vừa gắp cho mọi người. Uống thêm một chén rượu, cho nguyên một trái ớt chỉ thiên vào miệng nhai ngấu nghiến để “lấy le”, tôi vào cuộc. Thấy tôi ăn “ngon lành”, mọi người mới tạm yên tâm gắp thức ăn. Một đồng nghiệp sau khi nuốt miếng thịt chuột vào bụng đã gật gù gắp tiếp miếng thứ hai rồi khen ngon, khiến cho cả chủ và khách đều cười vui vẻ. Rượu vào, cái cảm giác “bè hè”, ngần ngại cũng dần biến mất, mọi người đều thừa nhận là thịt chuột “quá ngon”, câu chuyện xoay quanh mâm cơm cũng chỉ toàn là chuyện thịt chuột. Ông Từm cho biết, người bản Giàng cũng chỉ ăn thịt chuột cách đây độ mươi năm. Ngày xưa thịt thú nhiều, ai mà thèm ăn thịt chuột, giờ thì hầu hết người dân ở các huyện vùng cao như Quan Hóa, Quan Sơn, Lang Chánh, Bá Thước đều rất khoái ăn thịt chuột. Mấy năm trở lại đây chuột cũng có giá lắm, bình quân mỗi tối, một thợ săn như thằng Hủa cũng kiếm được từ 60-100 ngàn đồng. Khi rượu đã ngà ngà, ông Từm mới sai thằng Hủa lấy bình rượu quý ra đãi mỗi người một chén. Ông bảo, loại này “độc” lắm. Uống vào không những có thể tăng cường sức khỏe mà cái khoản “bản lĩnh đàn ông” cũng “sung” lắm. Rồi ông tiết lộ là hũ rượu này được ngâm từ mật ong, rễ đinh lăng già, 3 cặp tay trước của mèo rừng và 7 bộ… bào thai chuột. Quả thực, đến món này thì tôi đành phải phụ lòng mến khách của ông trưởng bản.
Sau bữa nhậu thịt chuột đầy ấn tượng, tôi hỏi ông Từm: “ăn thịt chuột nhiều thế nhỡ gặp phải chuột hạch thì sao?”, trưởng bản Từm hồn nhiên trả lời là chuột rừng không bao giờ bị bệnh hạch như chuột dưới xuôi vì nó chỉ toàn ăn lúa, măng rừng và hạt nứa thôi. Tôi chẳng tin vào “cái lý” của ông Từm, nhưng để tranh luận với ông thì tôi chịu.
Các tin khác
- Hướng dẫn đặt bả diệt mối trong nhà (30/11/2017)
- Thuốc diệt côn trùng sinh học (03/04/2017)
- Thuốc diệt gián Optigard (23/03/2017)
- Tìm hiểu các phương pháp diệt mối tận gốc trên thị trường hiện nay (28/02/2017)
- Tham khảo phương pháp diệt mối tận gốc (28/02/2017)
- Sử dụng thuốc diệt mối tận gốc (28/02/2017)
- Quy trình diệt mối tận gốc của các công ty diệt mối (28/02/2017)
- Phương pháp diệt mối tận gốc hiệu quả nhất hiện nay (28/02/2017)
- Phòng mối và cách diệt mối tận gốc trong gia đình (28/02/2017)
- Diệt mối tận gốc giúp bạn phòng và diệt mối đồ dùng gia đình (28/02/2017)