Tin tức
Khi xưởng đóng tàu bắt đầu rung chuyển, những người thợ sợ đến chết trân ra. Có động đất chăng? Chiếc cầu tàu kêu ken két nghiêng qua một bên. Xe tải và thùng hàng rơi tòm xuống Vịnh San Francisco…
Rồi những cây cột chống to của cầu tàu gãy đôi, ván và vỏ tàu kêu răng rắc khi chìm xuống biển. Cuối cùng là căn nhà của hải quan ngã xuống nước đang sủi bọt. Mùa thu năm 1920 rất nhiều công trình được xây dựng trên cột gỗ đã cùng chung số phận với xưởng đóng tàu Benicia. Hầu như tuần nào cũng có một chiếc cầu tàu hay một căn nhà đổ sập. Vịnh San Francisco giống như bị một cơn bão tàn phá.
Hội đồng thành phố vội vàng triệu tập nhiều kỹ sư, chuyên gia. Họ nhanh chóng tìm được nguyên nhân: Nhiều lối đi trắng như vôi xuyên vào trong cột gỗ cho đến tận lõi. Gỗ đã bị ăn thủng vào trong, mất đi cả nửa trọng lượng. Các thân cây mềm đến mức người ta có thể đâm một con dao sâu vào trong. Hình ảnh hư hại quá rõ ràng: San Francisco trải qua nạn con hà ăn gỗ phát sinh dữ dội nhất cho đến thời điểm đó. Mãi đến mùa hè 1921 chúng mới bắt đầu hiếm dần.
Trước đó, khi xây dựng cầu cảng tại Vịnh San Franscisco, người ta đã coi đây là địa điểm lý tưởng vì nước ở đây quá ngọt cho loài hà Bankia setacea. Nhưng họ đã không tính đến anh em họ của Bankia là Teredo navalis.
Teredo navalis là một kẻ lang thang khắp thế giới và cũng là kẻ tàn phá ghê gớm nhất trong tất cả các loài hà. Chúng trông giống như giun nhưng lại thuộc vào lớp hai mảnh vỏ. Hai mảnh vỏ này teo lại thành hai mẩu nhỏ và cứng nằm ở phía đầu, được dùng để đào sâu từng milimét một vào trong gỗ như một máy khoan tí hon. Nó có thể sống trong nước ấm nhiệt đới và trong biển Bắc lạnh. Nó chịu được nước mặn Địa Trung Hải cũng như nước lợ của biển Baltic. Chẳng ai biết chính xác nó từ đâu đến. Có lẽ là nó đã là hành khách đi lậu vé, trốn trong vỏ tàu đi chu du khắp thế giới qua nhiều thế kỷ.
Kẻ phá bĩnh hơn cả cướp biển
Từ khi con người xây cầu tàu và thuyền bằng gỗ, những con mối biển đã phá bĩnh họ; và có lẽ chúng đã đánh chìm nhiều tàu thuyền hơn tất cả các đô đốc hải quân và cướp biển cộng lại. Người ta cho rằng Columbus đã mất cùng lúc nhiều chiếc tàu trong hạm đội của ông vì không ai nhận ra chúng đã bị con hà thâm nhập. Năm 1731, một chiếc cổng đê bị hà đục thủng đã vỡ tại Hà Lan trong một cơn bão lụt: Hằng trăm người chết đuối. Năm 1922 tờ “New York Tines” tường thuật về “cuộc chiến chống con hà”, và năm 1980 người ta đã phải sửa nhiều cầu tàu tại Hudson River – tiêu tốn tròn 100 triệu USD.
Những con vật này cũng hoạt động tại bờ Biển Bắc của Đức cho đến ngày hôm nay. Gần như lúc nào cũng là do Teredo đục. Tất nhiên là những người đi biển cũng đã phát triển nhiều biện pháp chống lại. Người ta cho rằng người Ai Cập đã quét lên thuyền của họ một lớp nhựa cây bảo vệ và người Trung Quốc đóng tàu hai lớp, ở giữa là một lớp da dê để chống lại những cuộc tấn công của con hà. Trước đây khoảng 100 năm, người ta bắt đầu phết creosote lên gỗ, một hỗn hợp nhiều hợp chất hóa học được chưng cất từ hắc ín than. Thế nhưng hỗn hợp độc này không chỉ giết chết con hà mà cả những loài sò khác ở gần đó. Nó đã bị cấm sử dụng từ lâu.
Thỉnh thoảng chúng biến mất qua nhiều thập niên
Nguyên nhân cho việc Teredo và họ hàng của nó thường hay đổ ập vào con người như một thiên tai mặc dù đã có nhiều biện pháp phòng chống tinh vi là ở tính không đoán trước được của chúng. Thỉnh thoảng chúng biến mất hằng nhiều thập niên – có lẽ vì nồng độ muối và nhiệt độ không thích hợp. Những ai quên chúng đi và bắt đầu dùng gỗ không được xử lý trước sẽ chẳng có gì trong tay để chống chọi.
Cọc gỗ dùng để buộc thuyền đã mục và bị con hà ăn. (Ảnh: DPA)
Cũng vì thế mà năm 1993, các nhân viên của Sở Môi trường và Thiên nhiên (StAUN) thuộc thành phố Rstock (Đức) đã phải bất lực đứng nhìn Teredo navalis ăn xuyên qua cọc đê bảo vệ tại bờ biển của bang Mecklenburg-Vorpommern. Sự tàn phá quả là ghê gớm, chúng đã phá hoại hơn 2/3 trong số 1100 con đê. Cho đến nay, việc thay mới các cọc đê cũ bằng gỗ thông đã làm tiêu tốn mất 20 triệu euro.
Teredo nguy hiểm nhất lúc nó còn nhỏ tí
Teredo xâm nhập vào gỗ từ khi còn bé tí, chỉ để lại một lỗ nhỏ như đầu đinh ghim. Bởi vậy mà không ngạc nhiên khi Columbus đã không nhận ra được bữa đại tiệc đang diễn ra trong vỏ những chiếc tàu của ông.
Ống vôi, “đầu khoan” với thân mềm và một lỗ khoan của con hà Teredo navalis. (Ảnh: Bewuchs-Atlas)
Đối với nhà sinh học Kai Hoppe, Teredo là một sinh vật đầy lôi cuốn, “đơn giản vì nó có rất nhiều mưu mẹo sinh học”. Thí dụ như hai nút bằng vôi mà nó dùng để đóng hai lỗ thoát. Khi bên ngoài không dễ chịu, con giun thu hai ống thông hơi lại và đóng kín cửa. Nắp đậy kín đến mức Teredo có thể sống khô ráo đến 3 tuần. Nó chuyển sang sống kỵ khí, một cách thức trao đổi chất không cần đến ôxy.
Và còn cách sinh sản của nó nữa chứ! Hà là loài lưỡng tính, sống lần lượt trải qua những thời kỳ đực và cái. Chúng trưởng thành sinh dục rất nhanh.
Nhà khảo cổ Harald Lübke thì lại không chia sẻ niềm thích thú về con hà. Nhiều năm qua ông đã nghiên cứu về những phát hiện khảo cổ dưới đáy biển của Biển Baltic. Kết luận của ông: Chẳng cần biết là gỗ xưa cũ bao lâu, Teredo ăn tất cả những gì ló ra khỏi lớp trầm tích – thân gỗ thông mới cắm xuống, cây thương thời Đồ đá hay những cây 6000 năm tuổi mà luồng nước chảy dưới đáy biển làm lộ ra. Trong trường hợp này thì nhà khảo cổ phải nhanh chân hơn con hà. Ông cũng đã từng vội vã chất lên nhiều xe tải gỗ lịch sử từ Biển Baltic và ngâm chúng tạm thời trong một hồ nước chỉ để cho Teredo đừng ngoạm vào. Loài sinh vật này chết sau vài ngày trong nước ngọt.
Các tin khác
- Hướng dẫn đặt bả diệt mối trong nhà (30/11/2017)
- Thuốc diệt côn trùng sinh học (03/04/2017)
- Thuốc diệt gián Optigard (23/03/2017)
- Tìm hiểu các phương pháp diệt mối tận gốc trên thị trường hiện nay (28/02/2017)
- Tham khảo phương pháp diệt mối tận gốc (28/02/2017)
- Sử dụng thuốc diệt mối tận gốc (28/02/2017)
- Quy trình diệt mối tận gốc của các công ty diệt mối (28/02/2017)
- Phương pháp diệt mối tận gốc hiệu quả nhất hiện nay (28/02/2017)
- Phòng mối và cách diệt mối tận gốc trong gia đình (28/02/2017)
- Diệt mối tận gốc giúp bạn phòng và diệt mối đồ dùng gia đình (28/02/2017)