Tin tức
Dịch vụ diệt mối mọt – Những tổ mối cao đến mức nhìn lên rơi cả mũ. Những tổ mối to đến độ cả chiếc xe tải chui vừa. Những con mối hung dữ say máu người và đội dò tìm mối bằng ra đa duy nhất trên đất Việt.
1. Nắng như thiêu như đốt. Trên triền đê sông Hồng, một nhóm người vẫn đang lúi húi vào một công việc kỳ dị. Kẻ kéo chiếc ăng ten chà đi, sát lại mặt đất, người cầm mớ dây gắn với cái ăng ten cứ lẵng nhẵng bước theo sau. Gần đó, ngồi trước màn hình với những thông số nhằng nhịt là một người ghi ghi, chép chép. Đó là một buổi làm việc thường ngày của đội dò tìm mối bằng ra đa duy nhất ở Việt Nam thuộc Viện Phòng trừ mối và Bảo vệ công trình (Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam). Công việc âm thầm của họ góp phần quan trọng trong việc bảo vệ đê điều, các công trình thủy lợi…
Dò tìm tổ mối bằng ra đa
Anh Đỗ Anh Chung, Trưởng Phòng Nghiên cứu ứng dụng địa vật lý, cho biết ra đa là vũ khí vô cùng tối tân và hữu hiệu để xác định vị trí, đường kính của tổ mối nằm ẩn sâu dưới lòng đất. Nguyên lý của ra đa dò tìm mối cũng giống như ra đa phòng không, có điều ra đa phòng không phát sóng lên trời thì ra đa tìm mối phát sóng xuống dưới đất. Sóng phát xuống, từ phát đến lúc thu sẽ tính được thời gian sóng đi nhân với vận tốc truyền sóng trong môi trường sẽ ra chiều sâu đối tượng. Cấu hình của một ra đa tìm mối khá gọn nhẹ gồm máy chủ, bàn phím, bộ ăng ten tần số thấp 15-80 mhz, bộ ăng ten nước (dùng dưới nước) bộ ăng ten đôi (tăng chiều sâu khảo sát) bộ ăng ten 100, 200, 400, 900, bộ định vị vị trí. Tổng giá trị trên 3 tỉ mà chất chưa đầy cái thùng xe Ford bán tải. Với những loại ăng ten trên có thể dò đến độ sâu 30 m.
Tiền trạm cho đội ra đa là đội khảo sát sinh học chuyên săn lùng những dấu hiệu của tổ mối như đường đi ăn, lỗ vũ hóa rồi cắm các cọc tiêu xác định khu vực. Việc này tránh cho đội ra đa phải dò tìm cả tuyến đê, đập dài hàng chục cây số, rất tốn thời gian và công sức. Bước vào trận chiến, một chiếc thước dây được căng ra, người kéo ăng ten, người kéo dây cứ theo đó mà đi. Mỗi mét lại hiển thị trên màn hình ra đa một vết dấu. Sóng phản xạ thu về, người đội trưởng sẽ phán đoán xem cái khoảng trống đó là gì. Tổ mối bình thường đường kính 50-60cm, nhưng có những tổ mối thọc que dài ngập hết tầm cánh tay khua vẫn chưa thấy đụng đáy. Trong một cuốn sách thuộc loại “gối đầu giường” của dân phòng trừ mối có đoạn viết về những tổ mối to bất thường: “Có những khoang rỗng do mối làm tổ đủ cho một xe tải chui lọt. Năm 1971 (năm miền Bắc lụt to) nhiều tổ mối gây họa như ở Đông Anh, Văn Quán (Vĩnh Phúc), Khê Thượng (Hà Tây)…”. Tổ mối trong thân đê, hang giao thông từ khoang chính và khoang phụ khi mưa lớn biến thành đường dẫn nước nên sập tổ mối sẽ tạo xoáy ngầm gây vỡ đê.
2. Anh Nguyễn Tân Vương, Phó Viện trưởng Viện phòng trừ mối và Bảo vệ công trình thông tin với tôi rằng Việt Nam có khoảng 140 loài mối với những đặc điểm làm tổ rất khác nhau, tựu chung có bốn loại tổ trên cây, chìm dưới đất, đắp nổi trên đất, đục rỗng trong thân cây. Những tổ mối khổng lồ thường gặp ở vùng khô hạn, có tổ đường kính trên 10 m, xe ủi nhỏ đạp lút ga, phụt khói đen xì, lao đánh rầm vào tổ mối mà không hề suy suyển. Sau đội phải đổi chiến thuật ủi từng góc một mới phá xong. Phá khoang nổi rồi khoan xuống khoang chìm, phụt thuốc, phun hỗn hợp đất sét lấp kín phòng hậu họa. Mối càng là loài có tổ to nhất, mỗi tổ chứa đến vài triệu cá thể gồm mối lính, mối thợ, mối cánh, mối vua chúa. Tất cả các loại mối trong tổ không thể di chuyển xa được mà chỉ có mối cánh – một loại mối đặc biệt chỉ bay một lần trong đời để làm tổ mới. Mùa sinh sản, mối cánh bay đi, một đực một cái gặp nhau sẽ kết thành một cái tổ, từ đó mà sản sinh hàng hà, sa số muôn vạn, ức triệu con.
Có những tổ chẳng khác vạn lý trường thành, xây 15-20 năm mới xong. Dưới trời nắng, vật liệu làm tổ mối vững chắc tựa đất thép, thành đồng. Có lần nhóm dò tìm dùng cuốc chim và thuốn sắt, hai thanh niên lực lưỡng phang thẳng cánh hàng tiếng đồng hồ mới đục được một lỗ bé tí tẹo trên thân tổ. Đục xong lưỡi cuốc chim mòn vẹt, sáng bóng như mới được mài. Thành tổ mối nổi có cái dày cả mét, rất chắc chắn nên thời chiến, người dân địa phương thường đào một ngách vào rồi khoét rộng làm hầm chống bom rất hảo hạng.
3. Mối có loài hiền, loài dữ. Hầu hết anh em trong đội dò tìm từng gặp phải tình huống bị cả trăm con mối tấn công, bàn tay, cẳng chân bầm dập, toe toét máu. Do địa hình dò tìm là những nơi hoang vu nên gặp không ít tai nạn nghề nghiệp xảy ra như vụ anh Nguyễn Ngọc Ân (Viện Phòng trừ mối và Bảo vệ công trình) năm 2008 ở đập Truồi (Huế) bị ong bò vẽ đốt 23 phát. Hết sốt nóng, sốt lạnh lại ngộ độc đến mất tự chủ cả vệ sinh, anh em mười mươi tưởng thuê xe lạnh cho về quê, ai ngờ Ân qua khỏi…
+ Mối không chỉ tấn công các công trình bằng gỗ mà còn phá hoại cả các kiến trúc bằng đá, đất nung. Có tổ mối như ở lăng Tự Đức (Huế) chỉ trong 8 ngày đã đùn cao tới 1,6 m, làm rạn nứt công trình bên trên. Mối làm tổ dưới đất cũng có thể gây lún đổ nghiêng, đổ sập các công trình trên bề mặt…
+ Biết được độ lợi hại của ra đa dò tìm, anh Chung nhận được rất nhiều cuộc gọi nhờ tìm mộ, thậm chí tìm kho báu gia truyền bị thất lạc với những cái giá cao ngất nhưng thường tìm cớ thoái thác. Chỉ duy nhất đợt trùng tu đình Chu Quyến (Ba Vì, Hà Nội) đội của anh đã tìm được một đầu rồng nguyên vẹn bị chôn vùi qua hằng trăm năm dưới lòng đất. |
Anh Nguyễn Tân Vương bảo mọi loại gỗ dù thuộc nhóm gì trong điều kiện ẩm đều bị mối xông đã đành, mối còn tấn công vào những vật liệu không liên quan gì đến gỗ. Chẳng thế mà, khi người Nhật xây dựng đại sứ quán, thấy mối bay vào, họ liền hỏi dân bản địa con gì, nó phá hoại gì. Người ta bảo con mối.
Lo sợ trước đối tượng côn trùng này, người Nhật đến hỏi anh Vương rằng nhà bê tông, cửa nhôm kính có phải chống mối không? Anh bảo có vì nó sẽ phá hủy nội thất và đặc biệt phá cáp điện (đường cáp cản trở giao thông, mối sẽ “mở đường” bằng cách cắn phá) đắp đất trong ổ điện gây chập. Người Nhật nhờ Viện phòng trừ hai đợt, mỗi đợt hai tháng bằng thiết lập một hàng rào bằng hóa chất trộn đất xung quanh như hàng rào điện tử Macnamara, khoảng 5 năm lại phải làm lại một lần. Đội của anh Vương cũng từng đến nhà cụ Võ Nguyên Giáp, Văn Tiến Dũng, Phạm Văn Đồng, văn phòng làm việc cụ Đỗ Mười, Bảo tàng Hồ Chí Minh để làm công việc phòng trừ mối.
Dông dài chuyện mối, mấy năm trước Viện Y học cổ truyền dân tộc nhờ chỗ anh Vương cung cấp…mối để chế ra thực phẩm chức năng nhằm tăng sức mạnh cũng như phục hồi cấp tốc cho vận động viên. Sản phẩm được nghiệm thu, đánh giá tốt nhưng không khả thi trong mở rộng sản xuất vì nguồn cung nguyên liệu hạn chế, bắt vài lạng thì dễ chứ bắt cả yến, cả tạ, cả tấn mối để chế thuốc thì thực bó tay.
Các tin khác
- Hướng dẫn đặt bả diệt mối trong nhà (30/11/2017)
- Thuốc diệt côn trùng sinh học (03/04/2017)
- Thuốc diệt gián Optigard (23/03/2017)
- Tìm hiểu các phương pháp diệt mối tận gốc trên thị trường hiện nay (28/02/2017)
- Tham khảo phương pháp diệt mối tận gốc (28/02/2017)
- Sử dụng thuốc diệt mối tận gốc (28/02/2017)
- Quy trình diệt mối tận gốc của các công ty diệt mối (28/02/2017)
- Phương pháp diệt mối tận gốc hiệu quả nhất hiện nay (28/02/2017)
- Phòng mối và cách diệt mối tận gốc trong gia đình (28/02/2017)
- Diệt mối tận gốc giúp bạn phòng và diệt mối đồ dùng gia đình (28/02/2017)