Tin tức
Một số khu dân cư tại Hà Nội bắt đầu xuất hiện côn trùng gây bệnh viêm da tiếp xúc như: các loại bướm, kiến ba khoang… Tại Bệnh viện Da liễu Hà Nội, có ngày số ca mắc chiếm 20% tổng số bệnh nhân đến khám.
Sống ở tầng 5 một khu chung cư tại La Thành (Hà Nội), cách đây 2 hôm, chị Hà thấy vùng cổ, sau gáy xuất hiện mảng đỏ nhỏ, ngứa nhưng nghĩ không sao. Tuy nhiên đến hôm sau, trên mặt chồng chị cũng có vùng da đỏ, bỏng rát. Sợ bị zona thần kinh, cả hai vội đi khám thì biết bị viêm da tiếp xúc do côn trùng.
“Tôi chỉ bị nhẹ, bôi hồ nước vào là thấy đỡ rát, chứ chồng bị cả một vùng da ở mặt bôi thuốc trắng xóa”, chị Hà nói.
Kiến ba khoang, một trong những thủ phạm gây dịch viêm da tiếp xúc. Ảnh: C.P. |
Nhà chưa có ai bị đỏ, rộp da nhưng mấy ngày gần đây, chị Liên ở khu đô thị Dịch Vọng (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng bắt đầu thấy kiến ba khoang xuất hiện trong nhà. Giờ mỗi tối trước khi đi ngủ, chị đều phải quét dọn nhà cửa, rũ giường, hạn chế mở cửa sổ.
“Tối ở nhà lúc nào tôi cũng phải cảnh giác, cứ thấy kiến, bướm bay vào nhà là lập tức lấy chổi quét, rồi lau chùi sạch sẽ. Khu chung cư nhà mình có mấy gia đình đã phải đi sơ tán để phun thuốc, mỗi nhà 500.000 đồng. Nhà mình có con nhỏ nên không dám phun, sợ mùi”, chị liên chia sẻ.
Tương tự, anh Hải, sống ở tầng 12 chung cư Đặng Xá (Gia Lâm, Hà Nội) cho biết, mấy hôm trước thấy kiến ba khoang bò trên tường nhà, anh đang lo mấy đứa nhỏ bị. May quá 2 hôm nay trời mưa, rét nên không thấy côn trùng bay vào nữa. "Khu vực tôi sống gần cánh đồng, nên vào những vụ gặt y như rằng lại chịu cảnh khói mù mịt rồi côn trùng bay vào”, anh Hải chia sẻ.
Tại Bệnh viện Da liễu Hà Nội, bình thường mỗi ngày một phòng khám tiếp nhận 30 bệnh nhân thì có 2 người bị viêm da tiếp xúc do côn trùng, ngày nào nhiều là 8. Bệnh có xu hướng tăng thời gian gần đây.
Bác sĩ Vũ Mạnh Hùng, Phó giám đốc Bệnh viện cho biết, bệnh viêm da tiếp xúc do côn trùng là hiện tượng viêm da cấp tính do chất tiết của côn trùng chạm vào da. Bệnh xuất hiện rải rác trong năm, nhưng đến thời điểm giao mùa thu - đông thì số ca tăng đáng kể. Lý do là vào mùa gặt côn trùng ngoài đồng ruộng hết chỗ trú, theo ánh sáng bay vào nhà. Nhiều người vô tình để độc tố của chúng chạm vào da, gây kích ứng. Vùng da tiếp xúc với độc tố sẽ bị bỏng rát và đỏ.
Theo bác sĩ Hùng, biểu hiện đầu tiên của bệnh là ngứa, rát chỉ sau vài phút tiếp xúc côn trùng, sau đó đỏ, phồng rộp lên. Tùy vào độc lực của côn trùng mà ảnh hưởng đến mức độ tổn thương da, nhẹ là rát, đau; nặng là đỏ, phồng rộp lên như bỏng, hoại tử da. Nếu là do kiến ba khoang thì bệnh thường nặng hơn.
Việc điều trị sớm bệnh rất đơn giản, có thể dùng các thuốc bôi làm dịu da, chống viêm. Nếu để bội nhiễm, người bệnh phải uống kháng sinh và có thể để lại sẹo. Nhiều trường hợp nhầm với zona, một bệnh da do virus. Nếu là do virus, ban đầu người bệnh sẽ thấy đau, tổn thương da, bọng nước thành từng đám, có hạch ở khu vực, nếu bị ở mặt thì có hạch ở cổ.
Biểu hiện của bệnh là ngứa, rát, sau đó đỏ, phồng rộp vùng da tiếp xúc với côn trùng. Ảnh: N.P. |
Côn trùng gây bệnh bị thu hút bởi ánh sáng, nhất là ánh sáng đèn điện. Vì vậy, vào buổi tối, khi bật sáng điện sẽ thu hút côn trùng bay vào nhà, bám vào những đồ dùng, tiếp xúc với da người và tiết độc gây viêm da.
Vì thế, để phòng tránh, người dân nên đóng kín hết cửa hoặc buông rèm nếu bật đèn để côn trùng không bay vào nhà. Có thể dùng lưới chống muỗi, côn trùng, quanh nhà có thể đặt các cây đuổi côn trùng như sả, dạ hương… Vào mùa côn trùng phát triển (tháng 3-5 và 8-10) trong nhà nên tắt bớt đèn, trước khi đi ngủ nên quét dọn nhà cửa, rũ giường. Cho trẻ đi chơi thì nên tránh chỗ đèn sáng, nếu thấy côn trùng đậu trên người thì thổi nhẹ cho nó bay đi chứ không chà xát mạnh.
Tuyệt đối không lấy tay không đập côn trùng, nhất là với kiến ba khoang, dùng tấm giẻ to, ẩm chụp vào côn trùng, sau đó lấy một tấm giẻ ướt khác lau hết những bụi phấn, nhựa còn sót lại. Chú ý phát hiện những côn trùng ở trong nước tắm, khăn mặt, quần áo trước khi dùng.
Bác sĩ cũng khuyến cáo, khi bị kích ứng do tiếp xúc với côn trùng người bệnh nên rửa chỗ tổn thương da qua nước sạch hoặc nước muối loãng 0,9%, rửa nhiều lần, dùng bông, gạc mềm thấm nhẹ để làm loãng và trôi tiết dịch của côn trùng, tuyệt đối không gãi hay chà xát mạnh. Lưu ý không nên dùng nước xà phòng rửa vì sẽ làm tăng kích ứng da.
Sau đó bôi dung dịch làm mát da, như hồ nước. Bên cạnh đó, khi đã bị bệnh, để tránh lây lan bệnh ra vùng da khác, người bệnh không nên sờ tay vào chỗ phù nề rồi lại chạm vào vùng da khác. Vì khi đó, chất độc từ côn trùng ở phần da viêm nhiễm sẽ bám vào phần da mới tiếp xúc và gây bệnh. Nếu bệnh nhẹ thì chỉ sau 2-3 ngày là khỏi, nếu nặng nên đến bác sĩ chuyên khoa để khám và điều trị kịp thời.
Các tin khác
- Hướng dẫn đặt bả diệt mối trong nhà (30/11/2017)
- Thuốc diệt côn trùng sinh học (03/04/2017)
- Thuốc diệt gián Optigard (23/03/2017)
- Tìm hiểu các phương pháp diệt mối tận gốc trên thị trường hiện nay (28/02/2017)
- Tham khảo phương pháp diệt mối tận gốc (28/02/2017)
- Sử dụng thuốc diệt mối tận gốc (28/02/2017)
- Quy trình diệt mối tận gốc của các công ty diệt mối (28/02/2017)
- Phương pháp diệt mối tận gốc hiệu quả nhất hiện nay (28/02/2017)
- Phòng mối và cách diệt mối tận gốc trong gia đình (28/02/2017)
- Diệt mối tận gốc giúp bạn phòng và diệt mối đồ dùng gia đình (28/02/2017)